Ngày nay, bên cạnh sự phát triển thể chất và sự thông minh của trẻ, trí tuệ cảm xúc (EQ) cũng là một khía cạnh mà các bậc phụ huynh quan tâm.
Vậy Trí tuệ cảm xúc (EQ – Emotional Quotient) là gì?
Trí tuệ cảm xúc – Emotional Intelligence hay còn gọi là Emotional Quotient or EQ, là khả năng thấu hiểu, kiểm soát và sử dụng các cảm xúc cá nhân một cách tích cực để giải toả căng thẳng, giao tiếp hiệu quả hơn. Đặc biệt EQ giúp chúng ta có thể thấu hiểu đối phương và vượt qua các khó khăn, tranh cãi trong một mối quan hệ tốt hơn.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển vượt bậc như ngày nay, việc nuôi dưỡng tâm hồn nhạy cảm của con trẻ, giúp con có thể thích nghi tốt với nhiều hoàn cảnh khác nhau bằng cách phát triển EQ là một điều hoàn toàn cần thiết, nếu không muốn nói là quan trọng.
Nhưng bạn cần bắt đầu nuôi dưỡng và phát triển EQ cho con từ đâu?
Hãy bắt đầu với 5 bước đơn giản sau
- Nhận biết và thấu hiểu cho các quan điểm và suy nghĩ của con để khuyến khích trí tuệ cảm xúc ở trẻ.
- Cho phép trẻ thể hiện cảm xúc
- Lắng nghe những cảm xúc của trẻ
- Dạy trẻ cách giải quyết các vấn đề với cảm xúc của mình
- Biến cảm xúc thành một trò chơi
Ngay cả khi bạn không thể “làm gì” trước những khó khăn của con mình, hãy đồng cảm. Chỉ cần được thấu hiểu, tất cả chúng ta sẽ có khuynh hướng được xoa diu và trút bỏ những cảm xúc phiền muộn, trẻ con cũng vậy.
Nếu sự khó chịu của con bạn dường như không phù hợp với tình hình, hãy nhớ rằng tất cả chúng ta đều thường xuyên che giấu cảm xúc và bùng nổ ngay khi tìm được một nơi thích hợp. Tuy nhiên, con của chúng ta thì chưa làm được điều đó, nên hãy thấu hiểu cho con.
Thấu hiểu không có nghĩa rằng bạn đồng ý, chỉ là bạn đang cho con bạn thấy rằng bạn luôn ở đó, ủng hộ và đứng về phía chúng. Trẻ con có thể phải làm những gì cha mẹ nói nhưng trẻ con cũng có suy nghĩ và quan điểm riêng của mình. Một khi được thấu hiểu, trẻ con sẽ tiếp nhận được một thông điệp tích cực rằng suy nghĩ và góc nhìn của chúng được thừa nhận, từ đó cách bày tỏ cũng sẽ ôn hoà và dễ chịu hơn. Bên cạnh đó, việc được ba mẹ thấu hiểu cũng giúp trẻ cảm nhận được cách mà người khác đối xử tốt với mình, từ đó hình thành ở trẻ những suy nghĩ và nhận diện đầu tiên về sự thấu hiểu cảm xúc của người khác.
Trẻ con không tách bạch được “bản thân” và “cảm xúc” nên nếu những cảm xúc bộc phát của chúng bị cha mẹ la mắng hoặc ngăn cản, trẻ con sẽ tự động nhận thức rằng đó là một điều đáng xấu hổ hoặc không thể chấp nhận được. Việc ngăn cản cơn giận dữ hoặc sợ hãi của trẻ không giúp những cảm giác đó biến mất đi mà chỉ khiến con bạn kìm nén nó lại bên trong và như chúng ta đều biết, dồn nén cảm xúc là điều không tốt chút nào.
Chính vì thế, thay vì ngăn cản trẻ, hãy dạy trẻ rằng mọi cảm xúc đều rất tự nhiên. Hãy khuyến khích trẻ thể hiện cảm xúc và hướng dẫn trẻ cách làm sao thể hiện phù hợp nhất.
Việc chấp nhận cảm xúc của trẻ, khuyến khích trẻ thể hiện sẽ giúp nuôi dưỡng tâm hồn nhạy cảm của trẻ. Từ đó, trẻ hiểu rằng bày tỏ cảm xúc không có gì đáng xấu hổ và cần phải che giấu cả.
Hãy nhớ rằng, cơn thịnh nộ không bắt đầu tan biến cho đến khi nó cảm thấy được lắng nghe. Cho dù con bạn 6 tháng hay mười sáu tuổi, con bạn cần bạn lắng nghe những cảm xúc mà con bạn đang thể hiện.
Trên thực tế, bạn sẽ ngạc nhiên về sự cởi mở của con bạn trong việc chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và các cơn giận dữ của trẻ nếu trẻ cảm nhận được bạn đang lắng nghe và thấu hiểu. Và một khi được chia sẻ, sự giận dữ của trẻ sẽ không còn nữa mà thay vào đó là một cảm giác được xoa dịu, được lắng nghe. Từ đó, sự tin tưởng của trẻ dành cho bạn cũng sẽ tăng lên, tình cảm gia đình càng thêm gắn bó.
Cảm xúc là thông điệp của cuộc sống. Sau khi con bạn đã được lắng nghe và bày tỏ cảm xúc ra ngoài, bạn hãy đến một bước quan trọng tiếp theo, chính là dạy con cách đối diện và giải quyết các vấn đề liên quan đến cảm xúc đó.
Trước tiên, hãy dạy con chấp nhận và tôn trọng cảm xúc của chính mình. Kế đến, giúp trẻ nhận dạng loại cảm xúc như buồn, thất vọng, giận dữ…. và cho trẻ biết cách làm sao để xử lý các cảm xúc này. Vd: khi con thất vọng, con có thể khóc nhưng không nên gào thét với người khác….
Tất cả trẻ em cần được hướng dẫn để học cách bày tỏ cảm xúc của mình mà không gây hại đến người khác.Khi bạn chú ý thấy con mình đang có những cảm xúc tiêu cực mà không biết phải xử lý như thế nào, hãy giúp xoa dịu cảm xúc đó bằng một trò chơi, một trò đùa. Hãy kể lại tình huống với giọng điệu hài hước nhất, hoặc giả làm một nhân vật để cùng trò chuyện với con, qua đó từ tốn hướng dẫn con cách giải quyết vấn đề.
Nụ cười là một phương thuốc tốt để xoa dịu cảm xúc, giải toả cơn giận một cách hữu hiệu nhất. Qua đó, con bạn cũng sẽ học cách trở nên hài hước và có những góc nhìn tích cực hơn.
Trả lời